Trong số trước chúng ta đã tìm hiểu về sự phát triển của trẻ 7 tuổi về mặt thể chất và ý thức. Số này chúng ta sẽ tìm hiểu về những điều trẻ cần trong độ tuổi này.
• Mối quan hệ giữa trẻ và giáo viên
Sự kết nối giữa trẻ nhỏ với môi trường tiểu học ở độ tuổi từ sáu đến bảy với giáo viên của các em là một kết nối rất đặc biệt, trong mối quan hệ đó người giáo viên mang một trách nhiệm rất lớn lao. Sự mở lòng và đón nhận trẻ là vô cùng quan trọng để tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và trẻ. Thái độ này tạo nên một nền tảng của niềm tin mà từ đó một tình yêu sâu sắc có thể phát triển.
• Học thông qua việc làm
Trẻ lớp 1 đang chuyển từ “học thông qua việc làm” sang “học thông qua tình cảm”. Rudorf Steiner đã đưa ra ý tưởng rằng đứa trẻ từ khi sinh ra đến 7 tuổi chủ yếu sống trong “ý chí” hoặc trong giai đoạn tích cực của sự phát triển của trẻ. Ta có thể quan sát cách trẻ học thông qua chơi đùa ở giai đoạn này; rằng tất cả mọi thứ cần phải được khám phá thông qua thông qua các giác quan và theo một cách chủ động để có thể được tiếp nhận thông qua trải nghiệm.
Việc “học thông qua việc làm” – bằng cách tiếp nhận thông qua các giác quan và bắt chước – giờ đây được kết hợp với uy quyền của người giáo viên: làm thế nào người giáo viên giới thiệu tất cả mọi thứ cần được học. Ở đây, trẻ sẽ bắt chước những tình cảm và những ý tưởng giàu trí tưởng tượng mà các giáo viên đưa vào trong tất cả các hoạt động hằng ngày.
Các bài hát vận động, các trò chơi hay nhịp điệu vỗ tay/ dậm chân thường được thực hiện khi đứng theo vòng tròn trong một không gian ở trong lớp và giúp cả lớp phải phối hợp với nhau, không chỉ từng cá nhân. Cũng giống như nhịp tim ổn định, một lớp học trở nên hoà hợp trong sự lặp đi lặp lại của nhịp điệu và chuyển động.
Những trò chơi sử dụng “địa lý cơ thể” giúp trẻ nhận thức về cơ thể của mình và các bài tập “rèn luyện trí não” hỗ trợ phát triển sự chú ý và tập trung tâm trí. Khi trẻ bước vào lớp học buổi sáng, trẻ có thể đi lên một thanh gỗ trên sàn nhà để giúp các em tăng cường các giác quan về sự cân bằng. Những điệu múa đơn giản theo vòng tròn giúp trẻ ý thức về nhịp điệu, định hướng không gian và tương tác xã hội cũng như phối hợp tay chân một cách vui vẻ.
• Học qua cảm xúc
Trẻ chịu ảnh hưởng từ thế giới tình cảm xung quanh mình nhiều đến mức người giáo viên có thể giới thiệu những tình cảm/tâm trạng khác nhau trong lớp học thông qua các câu chuyện, bài thơ và bài hát mà các em có thể tiếp thu một cách tự nhiên. Và theo đó giáo viên cho trẻ lớp 1 “học thông qua tình cảm”. Mỗi khái niệm cần dạy, cho dù là việc học các chữ cái, các phép tính với các con số hay học về thiên nhiên, đều được giới thiệu dưới dạng một câu chuyện cổ tích giàu trí tưởng tượng được kể thật sống động trong lớp.
Điều quan trọng là câu chuyện phải được kể thật hay, với những mô tả phong phú về môi trường xung quanh và tự nhiên theo những tình cảm khác nhau. Các nhân vật phải có sức thuyết phục và thể hiện những suy nghĩ và tình cảm thông qua đối thoại. Phải có một cốt truyện tốt và kết cục làm các em hài lòng. Những câu chuyện như thế làm giàu thêm trí tưởng tượng của trẻ, làm đầy tâm hồn của các em với sự tò mò và ngưỡng mộ. Ngôn ngữ được phát triển: từ vựng, cách sử dụng ngữ pháp, cách tự bày tỏ và trí nhớ.
Sự hấp dẫn của câu chuyện dạy trẻ cách lắng nghe. Đêm đó, khi trẻ ngủ, trẻ có thể mơ về những hình ảnh đã cảm nhận trong câu chuyện. Và khi giáo viên yêu cầu các em kể lại câu chuyện vào ngày hôm sau, sự hiểu biết của các em qua một đêm đã sâu sắc hơn lên.
(Trích tài liệu “ Cẩm nang về sự phát triển của trẻ” – Tác giả Peter Van Alphen và Cathrine Van Alphen – Nhóm dịch Dự án Sách Steiner/Waldorf Việt Nam)