Với dân gian ta, phần lớn lễ tết đều theo mùa. Các lễ tết đó theo nhịp điệu của thời gian mà lịch nước ta quy định rất cẩn thận. Phổ biến và quan trọng nhất ta thường thấy Tết Nguyên Đán vào mùa xuân, Tết Đoan ngọ mùa hè( mới kết thúc vụ Chiêm), ngày Trùng thập (mùng 10 tháng Mười) ngày cúng “cơm mới”.
Sau những ngày nắng xuân dịu dàng, mùa hè tới với sức nóng, gió Lào (khu vực Trung- Bắc Bộ) mang tới rất nhiều bệnh tật và sự khó chịu.
“Nhưng dân chúng, chẳng những không cho đó là tác hại của mùa hè, mà còn tin chắc rằng tất cả các bệnh tật này là do tác động của những thần linh gọi là các quan. Dưới quyền các quan ôn là rất nhiều đạo quân cực kỳ hoạt động, có một ý chí huỷ diệt lớn. Chúng quen đi khắp trái đất trong mùa hè, lúc khí dương, khi mùa xuân hết, giảm dần ảnh hưởng, nhường chỗ cho khí âm.”*
“Đoan ngọ, hay “điểm chính của sự kháng cự”, đánh dấu một trong những thời điểm của tháng hai mùa hè này khi khí dương lên tới đỉnh cao nhất, khí âm cũng đồng thời bắt đầu xuất hiện. Đoan ngọ được cử hành hàng năm vào mồng 5 tháng năm ta, tức là khoảng Hạ chí. Nó còn gọi là tiết Thiên trung, vì mặt trời vào giờ ngọ hôm đó đứng ở điểm cao nhất của bầu trời. Người ta còn gọi nó là tiết Địa lạp, vì ngày này, các thần trên trời ghi vào sổ trường thọ địa vị xã hội và chính trị của mỗi người, các quan hệ họ hàng, các lúc thịnh suy của người đó.
Dù thế nào, Đoan ngọ không những là một lễ lớn của mùa , và cùng với ngày Tết và ngày Trùng thập (mùng 10 tháng Mười), tức là ngày cúng “cơm mới” làm thành ba ngày lễ quan trọng nhất trong lịch giao thiệp xã hội của người Việt Nam. Hôm đó, người ta biếu nhau chủ yếu là ngỗng, vịt, dưa hấu, đường và đỗ xanh. Trong các gia đình, người ta cúng tổ tiên cùng những sản vật đó của thời vụ.”*
Đặc biệt trong tiết Đoan ngọ, mọi cây cối đều có tính phòng và chữa bệnh đáng kể. Một số các “mẹo” chữa bệnh cũng được dân gian ta truyền tai nhau thực hành trong ngày này như: từ buổi trưa, người ta đi hái, ở những nơi khuất nẻo nhất, đủ loại cỏ và lá đó, gọi là “lá mồng năm” để cho người ốm uống. Những cỏ và lá đó được coi là có hiệu lực lớn chống những cơn sốt do thời tiết thất thường gây ra. Người ta cũng tìm lá ngải để làm nên cũng con vật tương ứng như hình con giáp, thỉ dụ năm 2024 là năm Giáp Thìn sẽ làm hình con rồng - linh vật sẽ góp phần tạo nên sức mạnh che chở cho dân chúng khỏi bị mọi thứ khí độc…Còn có nhiều tập tục khác nữa như nhuộm các ngón tay, trừ ngón trỏ, và nhuộm ngón chân cái bằng “lá móng” tạo ra màu đỏ để xua đuổi tà ma..
Hoặc giữa giờ ngọ, ngoảnh mặt về phía mặt trời chói chang, lật lông mi lên và nhỏ vào mắt ba giọt nước mưa hoà mấy hạt muối giúp mắt nhìn rõ hơn và không bị đau mắt nữa…Sáng sớm mọi người có thể tiến hành các nghi thức “giết sâu bọ” bằng cách mọi người ăn mọi thứ hoa quả mình gặp (theo mùa): đào, mận, xoài, dưa hấu…có người còn ăn rượu nếp, kê…
“Tết Đoan ngọ thực là lễ kỳ lạ nhất trong lịch sử của người Việt. Nó tiếp tục và củng cố thêm chuỗi lễ nghi được làm ngay từ khi mùa xuân kết thúc, để làm nguôi giận các thần trên trời…Đoan ngọ có tầm quan trọng hàng đầu trong tôn giáo dân gian nước Việt Nam”*
Một số thu thập và chia sẻ tới các ba mẹ để cùng nhau ta hướng tới và sắm sửa cho ngày lễ lớn thứ hai trong năm với gia đình và các con.
(*)Bài viết được lấy cảm hứng và trích từ cuốn sách Hội hè Lễ Tết của người Việt – tác giả Nguyễn Văn Huyên – tên tuổi của ông gắn liền với ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Ảnh: Tết Đoan Ngọ tại trường Tre Xanh
10/6/2024