icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

Sự phát triển thể chất và ý thức của trẻ lên bảy tuổi - Phần 1

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 20/11/2023

Sự phát triển thể chất và ý thức của trẻ lên bảy tuổi - Phần 1

Tre Xanh xin được giới thiệu đến các bạn bài viết về sự phát triển của trẻ lên 7 tuổi, tuổi bắt đầu vào lớp 1, một giai đoạn mới của cuộc đời con trẻ.

Sự phát triển thể chất

Trẻ khoảng 7 tuổi về thể chất cao hơn và thanh mảnh hơn so với khi còn ở lớp mầm non. Cột sống trở thành hình chữ S và bụng bằng phẳng và trẻ có một sự nhanh nhẹn dễ dàng trong chuyển động nhưng chưa thể phối hợp hoàn toàn. Cái đầu có vẻ nhỏ hơn so với sự tăng trưởng của chiều cao, tỉ lệ đầu giờ là 1:6 so với phần còn lại của cơ thể.

Một số trẻ có biểu hiện gì đó mơ màng, đầy tâm sự, cho thấy trẻ vẫn đang sống trong thế giới thần tiên của mình. Hầu hết các em có cái nhìn chăm chú kiên định, háo hức cùng với sự rõ nét của mũi, miệng và cằm, đặc biệt những trẻ hay nói với đôi mắt lanh lợi, sống động thường có cái đầu nhỏ hơn so với những trẻ khác. Những trẻ khác gặp khó khăn khi nhìn thẳng vào mắt của giáo viên và điều này cho thấy trẻ thiếu tính cá nhân ở giai đoạn này và chỉ thích là một phần của nhóm. Thường có những nụ cười sún răng với nhiều khoảng trống vì những chiếc răng mới đang mọc bên trong cho thấy sự sẵn sàng của trẻ để “nhai” những nội dung học tập: viết, đọc và toán học ở trường tiểu học.

Đôi chân không luôn vững vàng, có nhiều lần bị té ngã, bị vấp và trầy xước nhưng việc chạy, nhảy và nhảy lò cò và leo trèo trên khung leo trèo ngoài sân chơi giúp phát triển sức mạnh và sự cân bằng. Trẻ độ tuổi này vẫn chưa “xuống đất”. Tuy nhiên đôi chân và thân mình dài hơn và sự tự do vận động tốt hơn, cho thấy trẻ lớp 1 đã đạt được tới một mức độ độc lập nào đó và sẵn sàng cho chuyến phiêu lưu của trẻ vào việc học.

Sự phát triển ý thức

Là một với thế giới

Về mặt tình cảm, trẻ Lớp 1 trải nghiệm một cảm giác của sự đồng nhất hay là một với thế giới xung quanh mình. Ở lứa tuổi này, trẻ vẫn còn bắt chước mọi người và mọi thứ một cách bản năng, học những hành vi và thái độ cả tốt lẫn xấu từ những người xung quanh, cho thấy sự cần thiết cần có những hình mẫu phù hợp cho các em. Điều này cho chúng ta thấy rằng trẻ đang ở trong giai đoạn “ý chí” và do đó phần lớn là vô thức về bản thân và những hành động của mình. Trẻ cảm thấy mình là một phần của lớp học và giáo viên là người quan trọng nhất với trẻ sau cha mẹ. Các em cảm nhận được những tình cảm và thái độ của giáo viên của mình một cách sâu sắc và do đó bắt chước giáo viên một cách vô thức. Được bao bọc trong tình yêu của giáo viên là một trải nghiệm tuyệt vời đối với trẻ, giúp trẻ cảm thấy an toàn và mạnh mẽ trong bản thân mình. Nếu giáo viên cũng tràn đầy tình yêu nội tâm và tình yêu cuộc sống, trẻ sẽ nhận được sự ngọt ngào và ánh sáng trong tâm hồn của mình, điều sẽ nâng đỡ trẻ trong suốt cuộc đời.

Trẻ thể hiện cho chúng ta thấy các em vẫn còn dễ bị tổn thương như thế nào, trẻ hút vào mình từng cảm giác một ra sao, đưa cảm giác đó vào thẳng trong cơ thể của mình, ví dụ một cô bé với đôi mắt to tròn, đen láy bị “đau bụng” nếu giáo viên mắng em vì bất cứ điều gì. Khi một trẻ ngã và bị đau, nhiều bạn khác muốn an ủi em, cho thấy các bạn cảm thấy thế nào với nỗi đau của một người khác. Sự cân bằng giữa hơi thở và nhịp tim vẫn còn thất thường.

Trong khi trẻ ở tuổi này có hơi thở nhanh hơn, thì nhịp tim của các em lại chậm hơn. Sự trội hơn của hơi thở trong tỉ lệ nhịp tim – hơi thở là song song với sự phát triển của tâm hồn: những ấn tượng từ môi trường xung quanh của các em – mà nhất là, với không khí các em thở kết nối các em với những ấn tượng đó – có thể dễ dàng tràn ngập trẻ, mà chưa thể bảo vệ mình. ( Hermann Koepke, Encountering the self – Đối mặt với bản thân, 1989.69). Điều này cho thấy trẻ thay đổi thất thường về mặt tình cảm thông qua những ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, những ảnh hưởng trở thành một phần của bất cứ tâm trạng hay hoạt động nào trong môi trường xung quanh trẻ.

Trẻ không có ý thức về những suy nghĩ và tình cảm của mình, mặc dù điều này không có nghĩa là trẻ không có khả năng suy nghĩ. Các em thường thốt ra những nhận xét sâu sắc hoặc thích đáng đến vô cùng kinh ngạc. Các em cũng có thể thật thà đến mức khiến người khác ngại ngùng. Tuy nhiên trẻ ở độ tuổi này không thể hiện những ý tưởng hoặc khái niệm một cách đầu óc. Các em có một nhận thức bằng hình ảnh nằm trong bán cầu não phải có khuynh hướng tổng thể và là một phần của trực giác của trẻ về sự hoà làm một với thế giới. Những giải thích một cách đầu óc có xu hướng “quá sức nghĩ” của các em và nên tránh trong giai đoạn này.

Người giáo viên nhận thấy trẻ thích thú khi nghe kể chuyện như thế nào khi trẻ ngồi với đôi mắt mở to và các biểu cảm phản ánh mọi cảm xúc trong giọng kể của giáo viên và một đứa trẻ thậm chí có thể vuốt một bộ râu tưởng tượng nếu giáo viên làm thế khi tả một ông lão. Trẻ uống những câu chuyện qua những cảm xúc của giáo viên, ngấm vào mình một cách vô thức các thái độ nằm bên dưới câu chữ và sự thông thái vốn có của câu chuyện. Qua việc chuẩn bị câu chuyện một cách kỹ lưỡng , giáo viên truyền vào đó trí tưởng tượng, tình cảm và chiều sâu của sự hiểu biết sâu sắc, làm đầy câu chuyện với những hình ảnh để các em có thể dễ dàng hình dung. Bởi vì trẻ sống trong những hình ảnh, các em cũng có thể nhớ câu chuyện và kể lại nó vào ngày hôm sau. Bằng cách này, chúng ta chuẩn bị cho các em có những nhận thức sáng suốt, dẫn đến sự rõ ràng của những khái niệm, là nền tảng của suy nghĩ mà sẽ nổi lên một cách có ý thức vào khoảng tuổi mười hai.

 

(Trích tài liệu “ Cẩm nang về sự phát triển của trẻ” – Tác giả Peter Van Alphen và Cathrine Van Alphen – Nhóm dịch Dự án Sách Steiner/Waldorf Việt Nam)