icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

Nhịp điệu hàng ngày ở nhà và mức độ ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ sau này

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 19/11/2023

Nhịp điệu là nền tảng của mọi sự sống. Mang nhịp điệu vào cuộc sống của trẻ nhỏ là một trong những điều quan trọng nhất của nền giáo dục mầm non Waldorf. Khi làm việc với nhịp điệu chúng ta nỗ lực tạo ra một môi trường không căng thẳng cho trẻ nhỏ và từ đó làm việc để mang lại cân bằng cho các quá trình cơ thể trong trẻ.

Xin giới thiệu với các bạn bài viết của tác giả Helle Heckmann về Nhịp điệu hàng ngày ở nhà và mức độ ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ sau này.

Là cha mẹ có con nhỏ, bạn thường rất mệt mỏi và ít ngủ. Khi ngủ quá ít, bạn cũng có ít năng lượng và sau đó chúng ta thường thoả hiệp với con hoặc cáu kỉnh, hoặc không thật sự có mặt bên con.  Điều này sẽ khiến chúng ta dần xa con và tự áy náy với chính bản thân mình. Để giúp bạn và con có cuộc sống vui vẻ hơn, cần lưu ý ba điều quan trọng:

Linh hoạt

Đặt giới hạn

Tạo thói quen hàng ngày

Để trở nên linh hoạt là kết quả của sự quan sát nội tâm khách quan. Bạn nên tìm hiểu về bản thân mình để hiểu chính mình.

Liên quan đến các giới hạn, bạn phải tự mình tìm ra chúng. Bạn phải quyết định những giới hạn dành cho trẻ trong nhà: giờ đi ngủ, giờ ăn, ăn gì, sử dụng ngôn ngữ nào trong gia đình, v.v. Bạn phải xác định giới hạn của mình từ trước, vì vậy, thay vì nói “không, không, không…” và trở nên tức giận, bạn chỉ đơn giản là không cho phép bọn trẻ đi quá giới hạn. Bạn biết đây là quyết định của bạn và không cần phải tức giận. Nếu bạn đi trước một bước khi bạn thấy một tình huống nào đó sắp xảy ra, với sự hài hước và cử chỉ hoặc lời nói phù hợp, bạn có thể tránh khỏi tình huống đó và điều này sẽ khả thi nếu bạn rèn luyện được tính linh hoạt của mình. Hiểu nhiều hơn về bản thân sẽ cung cấp cho bạn khả năng vượt lên trên chính mình. Khi bạn nắm bắt được công cụ này, bạn có thể bắt đầu làm việc với con mình theo cách tự do hơn nhiều, bởi vì các giới hạn đã được thiết lập.

Khuyến nghị thứ ba, tạo một thói quen giống nhau mỗi ngày, tạo cho trẻ nhịp điệu. Tất cả các gia đình Waldorf có lẽ đều biết cuộc sống hàng ngày ở trường mẫu giáo như thế nào. Những đứa trẻ trải qua một ngày trong những giai đoạn tập trung và mở rộng luân phiên, như trong một nhịp thở có hít vào và thở ra.

Trong giai đoạn hít vào hoặc thở ra, trẻ hướng sự chú ý của mình vào một hoạt động về cơ bản liên quan đến bản thân. Đối với trẻ nhỏ, mỗi giai đoạn hít thở (vẽ, sơn nước, đan lát, ăn uống…) là rất ngắn vì trẻ chỉ có thể tập trung trong một khoảng thời gian ngắn. Trong giai đoạn thở ra, trẻ liên quan chủ yếu đến thế giới xung quanh (chơi tự do, chạy tự do, v.v.). Đối với mỗi giai đoạn hít vào, đứa trẻ cần một khoảng thời gian thở ra và do đó, một khuôn mẫu được thiết lập. Nhịp điệu này là thứ mà bạn có thể mang vào nhà của mình. Bạn phải cố gắng tìm hiểu khi nào bọn trẻ hít vào và khi nào chúng thở ra. Và khi bọn trẻ đang trong giai đoạn khó khăn, bạn phải chắc chắn rằng bạn có mặt, để đứa trẻ cảm thấy cha mẹ đang ở đây, vì chúng. Sau đó, trong một thời gian rất ngắn, bạn có thể làm những việc bạn phải làm ở nhà và bạn có thể nói với con bạn rằng con phải đợi vì ba/mẹ cần phải làm việc này. Mọi thứ sẽ ổn vì bạn biết bạn đã có mặt cùng con. Ví dụ, hãy nhìn vào tình huống khi cha mẹ đón con từ nhà trẻ. Đúng lúc bạn đang đón con, điện thoại di động đổ chuông và bạn trả lời. Nếu bạn chào hỏi bạn bè và tham gia vào cuộc nói chuyện căng thẳng ấy thì bạn không có mặt vì đứa trẻ. Trong chuyến thăm Mexico gần đây nhất, tôi thấy rất ít phụ huynh thực sự chào hỏi con cái của họ, đa số đang nói chuyện với các phụ huynh khác hoặc nói chuyện điện thoại di động của họ, hoặc đến muộn hoặc vội vàng.

Đối với đưa trẻ, con bạn đã xa bạn năm giờ và con đang thực sự muốn bạn có mặt, nhưng bạn không có ở đó. Vì vậy, đứa trẻ hét lên “Con muốn một cây kem! Con muốn cái này hay cái kia!” Hoặc con bắt đầu chạy xung quanh, hoặc ngã, hoặc gây xung đột vì con chưa thực sự gặp bạn. Ngược lại, nếu bạn dành thời gian (có lẽ chỉ cần năm giây), bạn cúi xuống, ôm  con và sau đó hôn con, chứng minh rằngthực sự bạn đang ở đó. Ánh mắt của con sẽ nói với bạn nhiều hơn lời nói, ngày của con như thế nào. Con không thể nói với bạn bằng lời vì không thể nhớ, nhưng đôi mắt của con sẽ cho bạn biết tất cả mọi thứ. Và sau đó bạn nắm tay con và cùng nhau bước đi (theo nhịp điệu mà đứa trẻ có thể làm theo),  điều này thực sự đáng yêu vì bạn đang tạo ra một tình huống tốt đẹp mới, một tình huống “con và ba/mẹ”. Bây giờ, nếu bạn cần chào hỏi mọi người, bạn có thể làm điều đó, trong thời gian ngắn, nhưng cùng với trẻ vì trẻ sẽ cảm thấy tôi là nơi tôi thuộc về, với cha mẹ của tôi.

Sau đó bạn lên xe về nhà (thở ra) và có lẽ đã đến giờ ăn uống khiến tình trạng hít vào trở lại. Bạn ăn như thế nào? Bạn có ngồi xuống cùng với đứa trẻ không? Hay đứa trẻ đang ngồi một mình và bạn đang đi loanh quanh nói chuyện điện thoại? Nếu bạn cho mình thời gian và ngồi xuống với con, bạn sẽ dạy con cách cư xử tại bàn bằng gương của bạn. Nhiều trẻ em ngày nay không ngồi cùng cha mẹ và chúng không học cách cầm đồ dùng một cách thích hợp. Tuy nhiên, điều này rất quan trọng, nếu không khi chúng lên bảy tuổi chúng không thể cầm bút chì và để học điều này ở độ tuổi đó rất khó so với khi chúng một hoặc hai tuổi.

Ngoài ra, việc ngồi vào bàn với các giai đoạn có bắt đầu, diễn ra và kết thúc, rất quan trọng vì đây là cách bạn nên sống trọn cuộc đời. Mọi thứ đều có bắt đầu, có quá trình và kết thúc. Bạn có thể chỉ mất mười lăm phút để ngồi một cách đúng đắn, kiểm tra cách trẻ cầm và uống nước từ cốc, ăn bằng miệng  v.v. .Theo cách này, bạn sẽ là một tấm gương cho con bạn noi theo, nhưng quan trọng hơn là bạn đã tận dụng khoảnh khắc ngắn ngủi này để tái hiện lại một “tình huống giữa con và cha mẹ” và đồng thời bạn cũng giúp trẻ tìm ra một hình thức xã hội “chúng ta”  là khi cả gia đình ăn cùng nhau.

Khi hoàn thành bữa ăn, bạn nhắc trẻ phải dọn dẹp bàn ăn để trẻ biết rằng khi là một phần của môi trường xã hội, chúng cũng tham gia vào việc dọn dẹp. Bằng cách này, bạn đã tạo ra một tình huống mà bạn đã có mặt và bây giờ bạn có thể nói với trẻ hãy đi và chơi (thở ra) bởi vì bạn đã ở đó, và sau đó bạn có thể làm những gì bạn cần làm nhưng con bạn vẫn biết bạn ở quanh đây. Một đứa trẻ nhỏ không thể tự chơi nếu không có sự yên tâm và bạn là người quan trọng nhất đối với đứa trẻ. Bạn là trung tâm của con bạn, và nếu bạn rời khỏi phòng, đứa trẻ nhỏ sẽ đi theo bạn.

Khi bạn đang làm công việc của mình, tình huống có thể xảy ra là trẻ sẽ nói rằng con đang chán. Trong trường hợp này, tất nhiên, bạn không nên bật ti vi hoặc mở nhạc. Khi bạn bận rộn với những việc khác, bạn có thể nói với trẻ “Bây giờ con chơi một mình nhé”. Nếu bạn biết bạn đã có mặt, bạn thực sự có thể mong đợi con tìm được việc gì đó để tự làm. Điều rất quan trọng là bạn không sợ con bạn không biết phải làm gì hoặc buồn chán. Điều rất quan trọng là bạn cảm thấy điều đó là đúng: Tôi đã ở đó với con và bây giờ con có thể ở một mình.

Ngày nay, các bậc cha mẹ thường sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc các hoạt động do người lớn hướng dẫn cho con vì họ sợ con chán và cho rằng con không có khả năng tự làm. Đây là một tình huống khó khăn. Nếu bạn nghĩ rằng bạn phải tạo hoạt động giải trí cho trẻ em dưới bảy tuổi của mình mọi lúc, bằng các phương tiện truyền thông (phim, TV, trò chơi điện tử, máy tính, v.v.), các lớp học sau giờ học hoặc các hoạt động khác do người lớn hướng dẫn, thì chúng sẽ không học làm thế nào để chơi một mình. Chúng sẽ không có khoảnh khắc nào có thể rơi vào trạng thái không biết phải làm gì và từ đó chuyển sang trạng thái tìm kiếm hình ảnh bên trong và do đó tạo ra mọi thứ từ trong ra ngoài. Bằng cách để chúng cảm thấy buồn chán, bạn sẽ giúp chúng, bởi vì buồn chán tượng trưng cho cơ hội mà bọn trẻ sẽ có để tham gia vào quá trình sáng tạo nội tâm. Việc trẻ em có thể tự mình, tự sáng tạo ra trò chơi mà không cần sự chỉ đạo của người lớn là điều vô cùng quan trọng bởi vì trong suốt bảy năm đầu tiên của trẻ, mọi thứ đều là do trẻ có thể tự sáng tạo.

Nếu tất cả các hoạt động đến từ bên ngoài (màn hình điện tử, trò chơi điện tử, hướng dẫn của người lớn, v.v.), thì không có nhiều điều xảy ra trong phạm vi sáng tạo hướng nội. Đó là lý do tại sao ở trường mẫu giáo Waldorf, giáo viên không ngồi chơi với trẻ mà làm việc thực tế, từ đó trẻ rút ra được cảm hứng để sử dụng nó trong trò chơi của chính mình. Ở những trường mẫu giáo Waldorf , bạn có thể thấy các giáo viên quét dọn, nấu ăn, cưa cây, chăm sóc vườn, chăm sóc gia súc, đốn củi và bất cứ điều gì mà bối cảnh cụ thể của mỗi trường cho phép làm. Tương tự, bạn, với tư cách là cha mẹ, trong giai đoạn thở ra, có thể làm công việc của mình và những đứa trẻ bên cạnh bạn sẽ có thể làm công việc của chúng (tức là chơi của riêng chúng). Điều này chỉ có thể thực hiện được khi bọn trẻ cảm thấy rằng chúng đã gặp bạn trong giai đoạn hít thở trước đó.

Khi trẻ đi ngủ buổi tối cũng vậy. Những gì đứa trẻ thích nghe là những câu chuyện từ cuộc sống của bạn. Không có sách, không có đài, không có nhạc, không có phim hoạt hình nào có thể tạo ra tác động tương tự đối với đứa trẻ như chính bạn. Câu chuyện của bạn kể có ý nghĩa rất nhiều và ngoài ra nó còn là một công cụ mà bạn có thể thay đổi những tình huống rất bế tắc. Thật khó để trẻ có thể buông bạn ra nếu chúng không cảm nhận được sự hiện diện của bạn. Nhưng, nếu bạn đã ôm con của bạn, thổi một chút vào tai, kể cho con nghe một câu chuyện nhỏ từ trái tim, khi ấy bạn đã thực sự ở đó, thì bạn có thể hôn con và đặt con lên giường và cảm thấy mình có thể rời đi. Và sau đó bạn có thể mong đợi rằng con bạn có thể tự ngủ, điều này có lợi cho sức khỏe của con bạn.

Ở Đan Mạch, nơi tôi đến, nhiều bậc cha mẹ phải nằm xuống và nắm tay đứa trẻ, đọc 20 câu chuyện, hát 50 bài hát, và tất cả những điều này mất một, một tiếng rưỡi….nhưng  cuối cùng khi họ lặng lẽ đi ra khỏi phòng ngủ thì vẫn nghe thấy 'Mẹ ơi, nước, mẹ! ”và sau đó trẻ trở nên khó chịu. Bạn có thể tránh điều này bằng cách đặt ra các giới hạn và tìm một cách thoải mái để rời đi vì bạn đã có mặt trong các tình huống khác nhau trong ngày. Nếu không, trẻ vẫn chưa được bạn lấp đầy bằng tình yêu thương của bạn và nếu trẻ không được tạo cơ hội để tự mình vui chơi, hoạt động từ trong ra ngoài trẻ sẽ khó có thể tự ngủ được.

Có một khía cạnh bổ sung mà tôi muốn chia sẻ về thời gian ở nhà mà bạn có với các con của mình. Nếu bạn đưa con cái của bạn từ lớp này sang lớp khác hoặc giao phó chúng cho các phương tiện truyền thông với nhiều loại khác nhau, bạn sẽ có ít thời gian hơn với chúng. Thời gian ấu thơ của con bạn rất ngắn. Bây giờ bạn có thể nghĩ rằng thời gian ấy còn dài, nhưng thực tế nó trôi qua rất nhanh. Bằng cách để con bạn tham gia vào trò chơi của riêng mình trong khi bạn đang làm việc nhà và thực sự có mặt trong những tình huống khó khăn đó, bạn xây dựng lòng tin giữa con bạn và bạn. Và sự tin tưởng này sẽ rất quan trọng khi chúng lớn hơn một chút và bước vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì vì với điều này, chúng sẽ đến với bạn khi chúng gặp khó khăn và lắng nghe bạn khi bạn nói với chúng những gì nên và không nên làm. Nhưng chúng sẽ chỉ làm điều đó nếu chúng tin tưởng bạn, nếu bạn đã ở đó vì chúng. Và đó là lý do tại sao bảy năm đầu đời của trẻ em rất quan trọng, bởi vì toàn bộ niềm tin của trẻ, niềm tin rằng thế giới là tốt đẹp, là nền tảng cho cuộc sống tương lai của chúng.

Sau bảy năm đầu tiên, chính những người bạn của trẻ trở thành tâm điểm. Sự lựa chọn bạn bè của trẻ có liên quan rất nhiều đến đạo đức mà bạn đã thể hiện và xây dựng cho trẻ trong bảy năm đầu tiên. Ngoài ra, nếu trẻ em được tạo cơ hội để làm việc hướng nội, chúng sẽ hiểu rõ bản thân mình và sau đó chúng có thể nói “không” khi gặp điều gì đó mà chúng không thích và “đồng ý” với những gì chúng muốn. Bạn có thể lựa chọn nếu bạn biết bản thân và một người có thể đưa ra lựa chọn có lòng tự trọng lành mạnh.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là trường mầm non và gia đình liên hệ với nhau như thế nào: phải có một cầu nối từ thế giới này sang thế giới khác. Theo một cách nào đó, sẽ hơi khó khăn đối với những gia đình chọn chương trình giáo dục Waldorf cho con bạn khi bạn trở nên khác biệt với số đông, nhưng đây là lựa chọn của bạn. Bạn không thể làm cả hai. Một khi bạn đã đi trên con đường của ý thức, bạn sẽ quan tâm đến dinh dưỡng, sự nuôi dạy trẻ. Tất nhiên, để tạo nên cầu nối giữa trường mẫu giáo Waldorf và gia đình là điều quan trọng để đứa trẻ có thể thấy rằng mọi thứ đều phù hợp với nhau. Đó là lý do tại sao việc xây dựng lòng tin giữa nhà trẻ và gia đình là vô cùng quan trọng, thông qua đó giáo viên có thể hỗ trợ sự lựa chọn của gia đình và cũng để gia đình tôn trọng những gì trong trường mẫu giáo. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra một cách cùng làm việc với nhau.

Tôi có ba đứa con 29, 26 và 23 tuổi và bây giờ tôi có thể thu hoạch sau 25 năm làm việc chăm chỉ với các con của mình, và điều đó thật tuyệt vời vì tôi có thể thấy chúng có thể ra ngoài cuộc sống một cách tự do như thế nào và tôi cũng có thể di chuyển khắp nơi trên thế giới với sự tự do và trí tuệ, bởi vì chúng không cần tôi nữa nhưng chúng thích tôi, thích ở bên tôi và tôi cũng là bạn bè của chúng. Và đây, tôi nghĩ, điều cao cả nhất mà chúng ta mong ước với tư cách là cha mẹ, rằng khi con cái chúng ta trưởng thành, chúng thực sự, bằng sự lựa chọn tự do của chúng, chọn ở bên chúng ta vào những thời điểm nhất định. Chúng ta có thể cùng con cái tìm ra một phương pháp mới để xây dựng các mối quan hệ xã hội bởi vì chúng ta có một ý thức khác để chúng ta có thể đáp ứng con mình tốt hơn.

Em phụ cô xếp khăn, xếp muỗng