icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

CHƠI TỰ DO - Phần 1: Vai trò sống còn của chơi trong thời thơ ấu

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 10/11/2023

Trường Tre Xanh Steiner sẽ dành thêm vài kỳ để nói về “Chơi tự do” vì vốn dĩ, đó là hoạt động vô cùng quan trọng với sự phát triển của trẻ. Nó cũng là một đề tài to lớn đã được nghiên cứu chuyên sâu bởi nhiều nhà giáo dục.

Kỳ này,Tre Xanh hân hạnh được gửi đến bài viết của cố nhà giáo, chuyên gia giáo dục mầm non Steiner, Joan Almon. Bà là người thành lập trường Baltimore Waldorf, đồng thành lập Hiệp hội Giáo dục mầm non Bắc Mỹ (WECAN), đồng sáng lập Liên minh cho Trẻ em (Alliance for Children). Bà qua đời năm 2019 ở tuổi 74, để lại nhiều nghiên cứu, bài viết/nói, sách và những cống hiến có giá trị to lớn và đầy cảm hứng.

Bài viết cung cấp cái nhìn thấu đáo về hoạt động chơi của trẻ, và bàn bạc khắp nơi, là tình yêu thương trẻ tha thiết và sự đau đáu, mong muốn giữ gìn một tuổi thơ thuần khiết cho các em.

1. VAI TRÒ SỐNG CÒN CỦA CHƠI TRONG THỜI THƠ ẤU

2. BẢN CHẤT CỦA CHƠI

3. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHƠI

4. NHỮNG LỢI ÍCH VỀ MẶT XÃ HỘI, CẢM XÚC VÀ TRÍ TUỆ CỦA CHƠI

5. ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA VỚI HOẠT ĐỘNG CHƠI CỦA TRẺ

VAI TRÒ SỐNG CÒN CỦA CHƠI TRONG THỜI THƠ ẤU

“Khả năng vui chơi là một trong những tiêu chí chính của sức khỏe tinh thần” – Ashley Montagu.

Hơn ba mươi năm làm việc với trẻ em cùng gia đình và giáo viên tại các trường mẫu giáo Waldorf trên toàn thế giới, tôi đã quan sát thấy được một sự tương đồng nổi bật: vui chơi sáng tạo là một hoạt động chủ yếu trong đời sống của những đứa trẻ khỏe mạnh. Nó giúp trẻ đang dệt với nhau tất cả các yếu tố của cuộc sống theo cách trẻ cảm nhận. Nó cho phép trẻ cảm nhận cuộc sống và biến nó thành riêng của mình. Đó là con đường dẫn đến sự khai mở trọn vẹn sức sáng tạo và tuyệt nhiên là hoạt động không thể thiếu đối với thời thơ ấu. Với hoạt động chơi sáng tạo, trẻ phát triển và bừng nở; bằng không, trẻ phải hứng chịu một sự thụt lùi nghiêm trọng.

Tôi không phải là người đầu tiên lưu ý điều này. Các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ đã cho thấy hoạt động chơi sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, việc vui chơi của trẻ với sự sáng tạo vô hạn hiện đang bị đe dọa nặng nề. Học sinh không còn được tự do khám phá những khu rừng, những cánh đồng để tìm ra nơi đặc biệt cho riêng các em. Giáo dục thể chất và giờ giải lao đang dần bị loại bỏ; nhiều trường học mới được xây dựng không có sân chơi. Những trận đá bóng giữa đám trẻ hàng xóm đã lùi vào quá khứ, vì bọn trẻ từ năm tuổi trở lên đã bị lùa vào các hiệp hội thể thao.

Từ mọi phía  – phụ huynh, giáo viên, nhà tâm lý học, và nhà tâm thần học – ai cũng nghe các mẩu chuyện về những đứa trẻ không được chơi. Một số trẻ dường như bị gò vào khuôn và không có khả năng chơi. Số khác ao ước được chơi nhưng thời khóa biểu ngoài giờ tại trường dày đặc hoặc việc học được chú trọng quá mức tại trường đã đẩy hoạt động vui chơi ra khỏi cuộc sống của trẻ. Thêm vào mớ hỗn độn đó còn có hàng giờ ngồi lì trước màn hình – TV, trò chơi điện tử, và máy tính – trẻ hấp thụ những câu chuyện và trí tưởng tượng của người khác mà không thể có được một câu chuyện hoặc sự tưởng tượng của riêng mình, và hậu quả là chơi ngày càng bị tuột dốc đều đặn. Sự tuột dốc này chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ và đối với chính tương lai của tuổi thơ.

Trong bài viết này tôi sẽ tập trung vào hoạt động vui chơi trước lớp một, đặc biệt cho lứa tuổi từ ba đến bảy. Suốt những năm này, lẽ ra cần được phát triển thì hoạt động chơi lại bị ngăn cản. Có thể chúng ta không chủ đích loại trừ chơi ra khỏi cuộc sống của trẻ nhưng chính những cách thức, quy định tại trường học và ở nhà đã ngăn cản trẻ khỏi hoạt động tự chơi không giới hạn.  

Nguồn tham khảo:
Alliance for Childhood. Children from Birth to Five: A statement of first principles on early education for educators and policymakers. Retrieved October 29, 2002 from http://www.allianceforchildhood.com/projects/play/index.html.

Der Spiegel (German news magazine, No. 20, 1977). p. 89-90.

Goleman, D., Kaufman, P. & Ray, M. The Creative Spirit. Dutton Books. 1992

High/Scope Summary. Different Effects from Different Preschool Models: High/Scope preschool curriculum comparison study. Drawn from works by Schweinhart, L. J., & Weikart, D. P., et. al.  Retrieved October 29, 2002 from http:// www.highscope.org/Research/curriccomp.html).

National Center for Education Statistics (NCES). Report entitled Readiness for Kindergarten: Parent and Teacher Beliefs, 1995. Citation retrieved October 29, 2002 from http://www.education-world.com/a_curr/curr027.html.

Ohanian, Susan. What Happened to Recess and Why are our Children Struggling in Kindergarten? New York: McGraw- Hill, 2002.

Singer, Dorothy and Singer, Jerome, The House of Make-Believe. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1990.

Smilansky, Sara. “Sociodramatic play: Its relevance to behavior and achievement in school.” In E. Klugman & S. Smilansky (Eds.), Children’s Play and Learning.  New York: Teacher’s College. 1990.

Steinberg, Jacques. “Student failure causes states to retool testing.” New York Times, December 22, 2000.

Bài báo của Joan được trích dẫn từ một chương trong một tuyển tập của bà có tên “A Crisis in Early Childhood Education: The Rise of Technologies and the Demise of Play” do Greenwood (một đơn vị của Praeger) xuất bản năm 2003 như một phần của loạt bài Sức khỏe Tinh thần và Tâm lý Trẻ thơ.  Các cộng tác viên khác gồm có Frank Wilson, Jeff Kane, Stanley Greenspan, Jane Healy và Christopher Clouder.

– Bài của Joan Almon, dịch bởi Ngọc Thảo –