icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

BƯỚC ĐI CÙNG CON - Phần 1.6: Câu hỏi của Cha mẹ - Vậy còn Tôi thì sao?

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 10/11/2023

Cuốn BƯỚC ĐI CÙNG CON (Walking with our children) của tác giả Nancy Blanning đăng tải trên trang Online Waldorf Library và được Tre Xanh Steiner lược dịch. Chuỗi bài viết trong cuốn "Bước Đi Cùng Con" được chia làm 4 phần với những ghi chép thật hữu ích dành cho các ba mẹ đồng hành cùng con.

Phần 1: Thời gian chất lượng cho trẻ nhỏ

THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG CHO TRẺ NHỎ

Câu hỏi của Cha mẹ - Vậy còn Tôi thì sao?

Làm cha mẹ là một trong những hành trình thú vị nhất và nhiều thử thách nhất mà ta từng dấn thân. Nó cũng có thể sẽ khắc nghiệt. Bảo vệ trẻ và đáp ứng nhu cầu của các em là điều ưu tiên, vì vậy, chúng ta bỏ qua những gì mình mong mỏi được phát triển cho bản thân. Chúng ta có thể duy trì được điều ấy trong một khoảng thời gian bằng sự điềm tĩnh. Nhưng sẽ có những lúc ta sẽ cảm thấy như bị đẩy đến tận cùng – thiếu ngủ, cả gia đình đổ bệnh, áp lực công việc dồn dập. Vào những lúc như vậy, cuộc sống bị mất nhịp điệu kinh khủng và mọi thứ trở nên mất quân bình. Đây là bức tranh trung thực về những gì ta cảm thấy. Nó có thể trông bi thảm khi ta thừa nhận mình là một nạn nhân mang trong mình nỗi phẫn uất và nuông chiều cảm giác muốn gắt gỏng cục cằn. Các bậc làm cha mẹ, suy cho cùng, cũng vẫn là người và đôi khi ta được quyền gắt gỏng. Dù giây phút xả năng lượng này thường không thay đổi được tình hình chung, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, ta sẽ thấy được vấn đề cần giải quyết. Vậy ta làm được gì đây?

Chúng ta có thể đến nhà sách và chọn hàng tá sách dạy về cách làm cha mẹ. Hầu hết sách dạy ta kỹ thuật – một vài trong số các kỹ thuật đó có giá trị và giúp ta có cái nhìn sâu sắc về cách tương tác đang không có hiệu quả của mình đối với con. Nhưng thường thì các lời khuyên này đưa ra những phản hồi thiển cận không chạm được đến cốt lõi thiên tính của một con người. Chúng ta, những bậc cha mẹ, và con cái của mình – bất kể ở độ tuổi nào, từ nhỏ và còn mơ màng cho đến tuổi thiếu niên với những nổi loạn – đều mong muốn một mối quan hệ ấm áp và tôn trọng nhau. Tất cả chúng ta đều mang trong mình niềm tin chắc chắn rằng ta có thể chạm đến tận cùng sâu thẳm bên trong ta, nơi sự kết nối tích cực và hân hoan đang có mặt. Chúng ta mong muốn được trải nghiệm ở chính mình và người khác “một điều gì đó” sâu sắc và dạt dào bên trong ta, một cái tôi chân thật và lớn lao hơn. Nhưng làm sao ta mở được cánh cửa đó?

“Một điều gì đó” nói trên, cái tinh tuý vốn lớn lao hơn chúng ta của hàng ngày ấy, đã được nói đến hàng bao đời nay, là một thực thể tinh thần vô hình đến từ thế giới linh thiêng. Trong các câu chuyện cổ tích và truyền thuyết, ta thấy những người đưa tin và những người bảo hộ đến từ thế giới này. Trong “Bạch Tuyết và Hồng Hoa”, thực thể tinh thần giữ cho các cô gái tránh khỏi vách đá trong bóng đêm. Trong truyền thuyết về Tobias, một vị thiên thần đã luôn bên cạnh để giúp đỡ Tobias hoàn thành cuộc hành trình đầy gian nan. Chúng ta hình dung những thực thể linh thiêng này luôn có mặt xung quanh trẻ. Ta cầu nguyện cho những đứa con quý giá của mình được che chở và khoẻ mạnh, và cũng hình dung lời khẩn cầu này được chấp nhận và đáp trả. Nhưng khi lớn lên, sợi chỉ kết nối bằng vàng này mỏng dần đi và dường như biến mất khỏi cuộc sống của ta. Rudolf Steiner, người sáng lập ra nền giáo dục Waldorf, giải thích điều này giống như sự mất mát bất hạnh nhưng lại cần thiết. Chúng ta phải dấn thân vào cuộc đời này bằng khả năng và nguồn lực của chính mình nếu muốn phát triển và trưởng thành khỏi giai đoạn thơ ấu. Khi chọn con đường tìm lại sợi chỉ vàng này lần nữa, ta làm vì tự do ý chí của bản thân. Điều đó khiến nó trở thành thành quả thay vì là một món quà nghiễm nhiên được tặng. Giờ đây, trong cuộc sống bận rộn, chúng ta nói sau này khi nào không quá chộn rộn với những trách nhiệm thường ngày, ta sẽ làm việc đó. Nếu việc mở một cánh cửa mới chỉ để thoả óc tò mò và sự thoải mái, động lực đó có lẽ sẽ không đủ mạnh. Nhưng khi thấy mình đã kề cận bờ vực hoặc vấp phải bức tường đá ngăn cách với con, ta sẽ can đảm hơn để dấn bước vì ta yêu con mình đến nhường nào và mong muốn chúng có được cuộc sống tốt đẹp. Ta muốn trở thành cha mẹ tốt và là những con người tốt.

Tiến sĩ Helmut von Kügelgen, một nhà giáo dục Waldorf lâu năm người Đức quá cố, đã gửi đến lời khuyên bổ ích cho giáo viên và cha mẹ trong việc mở lòng mình lần nữa để chạm vào sự kết nối đặc biệt này. Đầu tiên chính là nhịp điệu. Khi kề miệng vực, ta thấy mình “mất nhịp điệu và cuộc sống chệch khỏi đường ray, mất cân bằng.” Tiến sĩ von Kügelgen quan sát thấy cách để mở cánh cửa đặc biệt này là làm việc với nhịp điệu. Ông chỉ ra rằng con số bảy có phẩm chất và nhịp điệu đặc biệt. Số ngày trong tháng có thể đổi nhưng số ngày trong tuần không bao giờ đổi. Có bảy vị thiên thần cai quản thời đại của chúng ta. Vì vậy, làm việc theo nhịp điệu của bảy có thể kết nối được chúng ta với địa hạt tâm linh. Tiến sĩ von Kügelgen đề nghị chúng ta có thể làm việc theo 7 đơn vị, chẳng hạn 7 ngày, 7 năm, hoặc 7 phút.

Nhưng hãy nhớ rằng tôi là một bà mẹ quẫn trí, người có con nhỏ và đang kệ cận bờ vực, nên 7 phút vẫn có vẻ là quá nhiều. Nếu vậy 7 hơi thở thì sao?

Khi lo lắng và căng thẳng, ta thường đánh mất nhịp điệu trong hơi thở. Ta cần được giúp đỡ để cài đặt lại bản thân. Ta cần một cách để bước ra khỏi tình trạng thất vọng và bức bối. Ta cần tạm dừng – nghỉ ngơi một chút rồi sau đó tiếp cận tình huống này bằng cách khác. Cách này nghe giống như cách đếm từ một đến mười kiểu cũ; chắc chắn có một sự thông thái bị lãng quên nằm sau lời khuyên này. Nhưng quay trở lại với nhịp điệu bảy, việc tập trung vào nhịp điệu bảy có một ý định sâu xa hơn để hướng về thế giới trực giác ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta.

Nội dung bài viết của quyển "Walking with the children - Bước đi cùng con" của tác giả Nancy Blanning được đăng tải trên trang Online Waldorf Library và được Tre Xanh Steiner lược dịch.

Hình Tre Xanh: giờ chơi ngoài sân của lớp trên 3 tuổi.