icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

BƯỚC ĐI CÙNG CON - Phần 1.5: Kỷ luật

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 09/11/2023

Cuốn BƯỚC ĐI CÙNG CON (Walking with our children) của tác giả Nancy Blanning đăng tải trên trang Online Waldorf Library và được Tre Xanh Steiner lược dịch. Chuỗi bài viết trong cuốn "Bước Đi Cùng Con" được chia làm 4 phần với những ghi chép thật hữu ích dành cho các ba mẹ đồng hành cùng con.

 

Phần 1: Thời gian chất lượng cho trẻ nhỏ

THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG CHO TRẺ NHỎ

Kỷ luật

Kỷ luật là một đề tài khó, đặc biệt là với thời đại ngày nay.

Nhiều người chúng ta chắc hẳn còn nhớ cái thời mà “đúng là đúng mà sai là sai, và trẻ con phải làm theo lời cha mẹ và thầy cô!” Rồi cũng có thời chúng ta chất vấn kiểu kỷ luật này và bác bỏ những gì có vẻ độc đoán, bất công và cứng nhắc. Tuy nhiên, thái cực kia của vấn đề - nghĩa là sao cũng được – cũng gây ra những thất vọng đáng kể. Tuỳ thuộc vào định hướng mang tính triết học, xã hội hay đạo đức mà ta có thể thấy hai thái cực này là hai đầu mút của một bên là chuyên quyền (khắt khe, cứng nhắc…) và bên kia là sự dễ dãi (các tiêu chuẩn thay đổi thất thường). Còn những đứa trẻ yêu quý của chúng ta bị bỏ lại đó, bối rối, hoang mang vì lời buộc tội hoặc sự bất an của người lớn chúng ta về những gì ta thực sự nghĩ.

“Kỷ luật” dần bị liên hệ và nhầm lẫn với “trừng phạt” – “Nếu con không làm theo lời ba/mẹ thì sẽ bị…!” Tuy nhiên, từ “discipline” (kỷ luật) có nguồn gốc từ từ “disciple”, nghĩa đơn giản nhất là “học sinh” hay “người học”. Một trong những định nghĩa của nó lấy từ Từ Điển Webster là: “một khoá học giúp phát triển tính cách và khả năng kiểm soát bản thân, ngụ ý là một học sinh phải có giáo viên hoặc người hướng dẫn.” Đối với trẻ nhỏ, giáo viên là cha mẹ, gia đình lớn, và những thầy cô giáo ở trường mầm non. Trẻ nhỏ đến đây để học cách sống. Các em tìm kiếm sự hướng dẫn và người đồng hành để giúp mình tìm lối đi đúng đắn trong thế giới này. 

Trẻ thực sự là những sinh vật bé nhỏ giống như bọn trẻ bị lạc trong rừng của câu chuyện cổ tích. Trẻ không lý luận kiểu đầu óc và logic. Sau này sẽ như thế, còn giờ đây, các em làm theo những hình mẫu và hướng dẫn của người lớn bằng hình ảnh. Dẫn lời của một đồng nghiệp trường Waldorf, Steve Spitalny: trẻ nhỏ “vừa mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình” và cần những người lớn xung quanh chỉ cho các em hướng đi đúng đắn. Dù muốn hay không, đó là nhiệm vụ của chúng ta. Dù nhiều lần ta có thể không chắc chắn về việc mình làm, nhưng rõ ràng ta phải là người biết nhiều hơn trẻ và phải giúp đỡ các em.

Trong những năm còn làm việc ở trường mầm non Waldorf, bọn trẻ giúp tôi nhiều hơn những gì tôi đã từng đem đến cho chúng. Một bài học tôi rút ra là việc đối đầu với trẻ trực tiếp một cách nghiêm khắc, nhất quyết bắt em nhìn vào mắt hiếm khi, đúng ra là không bao giờ đem lại hiệu quả. Đây là thứ phá vỡ mối quan hệ ngay lập tức. Đứa trẻ thấy xấu hổ, đóng lòng mình lại với tôi. Mối quan hệ giữa người dẫn dắt và học trò được dựa trên lòng tin tưởng và sự ấm áp. Kiểu tiếp cận kể trên quá cứng rắn và lạnh lùng. Là giáo viên, tôi quan sát thấy nếu một cách tiếp cận không đem lại hiệu quả từ năm đến sáu lần thì nó sẽ không bao giờ có hiệu quả. Vậy ta có thể làm gì khác đây?

Giáo viên của tôi đến với tôi trong hình hài của một cậu bé. Cậu đầy sức sống, nói nhiều và sôi nổi. Cậu có thể đắm mình vào những gì diễn ra ở gần mình đến nỗi cả thế giới còn lại dường như chẳng hề tồn tại. Người khác chắc sẽ nói cậu có vẻ “thiếu chú ý.” Có thể nhìn được trước cách tiếp cận trực tiếp và giọng điệu nghiêm khắc sẽ thất bại. Thế rồi trong tôi nảy ra một ý mách bảo mình tiến đến phía bên cậu, lặng lẽ và nhẹ nhàng để cậu thấy tôi nhưng không cảm thấy bị đối đầu, tôi quỳ xuống và nói thầm vào tai cậu để chỉ một mình cậu nghe thấy. Kết quả thật kỳ diệu. Cậu gật đầu vì tôi không yêu cầu cậu nói và làm theo.

Không phải lúc nào cách này cũng hiệu nghiệm, nhưng nó quả thật rất hiệu quả. Mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và hợp tác của chúng tôi ngày một nảy nở.

Trẻ mắc lỗi chỉ là vì không biết cách. Các em mong muốn được hướng dẫn để đi đúng lối bằng sự thấu hiểu và rõ ràng. Chúng ta hãy là những người đồng hành như thế của trẻ.

[Tái bút – Với một vài thay đổi, cách này cũng có thể áp dụng với độ tuổi thanh thiếu niên. Một số tình huống đòi hỏi phải đối mặt trực tiếp, nhưng việc thử cách tiếp cận bên cạnh trước có thể đem đến những kết quả tốt đẹp đáng ngạc nhiên.]