icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

MẦM NON- GIÁO DỤC STEINER

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 20/11/2023

Công việc chính của trẻ trong giai đoạn mầm non bảy năm đầu đời là thích nghi và phát triển thể chất; tìm hiểu thế giới xung quanh và khai mở khả năng tiềm ẩn. Do đó, Rudolf Steiner tin rằng những yếu tố then chốt để giúp trẻ nhỏ phát triển lành mạnh là:

  • Chơi tự do, sáng tạo
  • Nhịp điệu và sự lặp lại
  • Trạng thái mơ màng
  • Ý chí và sự bắt chước
  • Hạn chế sử dụng công nghệ

  • CHƠI TỰ DO, SÁNG TẠO

Chơi là hoạt động chính và là công việc nghiêm túc của trẻ. Trường mầm non Steiner là thiên đường phục vụ hoạt động chơi, là nơi trẻ có thể tự do chơi tưởng tượng và sáng tạo trong thế giới riêng của mình.

Mỗi ngày trẻ cần có thời gian và không gian chơi tự do sáng tạo. Các nghiên cứu cho thấy rằng những trẻ chơi giỏi thể hiện sự đồng cảm với người khác nhiều hơn và ít hung hăng hơn; chúng có khả năng đặt mình vào vị trí người khác, ít sợ hãi, buồn bã và mệt mỏi.

Chơi là hoạt động được bắt đầu và dẫn dắt bởi chính trẻ và “trẻ tự giáo dục mình qua chơi”, vì vậy, khi trẻ chơi, người lớn lùi lại và chỉ can thiệp khi thật cần thiết, tức là khi trẻ không giải quyết được mâu thuẫn với bạn hoặc khi trò chơi đi theo chiều hướng không tích cực.

Chơi được khởi xướng chính trong con người của trẻ; thường là một cách vô thứctự phát. Thường chúng ta không nghe trẻ nói “trò chơi này kết thúc rồi, tiếp theo chúng ta sẽ chơi trò khác”; chơi là một dòng chảy tự do và liên tục. Khi kết thúc một trò chơi và chuyển sang trò khác, trẻ phải cảm thấy thỏa mãn. Hãy hình dung công việc của một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ lấy ý tưởng và cảm hứng từ bên trong con người họ và thể hiện ra thế giới bên ngoài. Khi trẻ chơi, tâm trạng của chúng giống hệt như tâm trạng của một nghệ sĩ đang sáng tác. Một đứa bé đang chơi với ngón tay và ngón chân của mình hay một trẻ nhỏ đang kéo bàn và ghế ghép lại để làm pháo đài, tất cả đều không khác lúc Shakespeare đang sáng tác tác phẩm của ông. Và chắc chắn rằng ông không muốn có một ai đứng bên cạnh chỉ bảo ông phải viết như thế nào cho chính tác phẩm của mình.

 

Khi trẻ chơi tự do, chúng học được vô số kỹ năng, từ khả năng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống đến sự cảm thông, nhường nhịn, lắng nghe, kỹ năng hành xử, khả năng kiểm soát bản thân và hợp tác với bạn bè; bên cạnh đó, trẻ có cơ hội lành mạnh để phát triển sức tưởng tượng, sáng tạo và rèn luyện ý chí của mình. Quan trọng hơn là những gì trẻ học được như đã kể diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, trong thế giới riêng của trẻ, và trẻ thực sự thỏa mãn, trong khi đối với hoạt động chơi có sự dẫn dắt và can thiệp của người lớn, những điều này không xảy ra. Và những gì đạt được sẽ có sức ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đến suốt cuộc đời của trẻ.

Chơi quan trọng vì đó là thứ trẻ làm rất giỏi, và vì vậy, chơi xây dựng sự tôn trọnglòng tự tin vào bản thân.

Có một sự bí ẩn trong hoạt động chơi tự do. Nếu bạn hỏi người lớn về ký ức tươi đẹp nhất về trò chơi thời thơ ấu, câu trả lời của hầu hết là được chơi tự do ở những nơi thiên nhiên như trong bụi rậm, đồng cỏ, kênh rạch…mà không bị người lớn dòm ngó hay can thiệp.

  • NHỊP ĐIỆU VÀ SỰ LẶP LẠI

Nhịp điệu, sự lặp lại, và hình mẫu để bắt chước là ba yếu tố tạo nên nền tảng giáo dục trẻ.

Nhịp điệu giúp chúng ta nuôi dưỡng trẻ, và làm việc với các nhịp điệu là phương pháp hoàn hảo trong việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Nhịp điệu có mặt ở khắp mọi nơi, hơi thở (hít vào, thở ra), nhịp đập của trái tim, ngày và đêm, bốn mùa… Thứ gì có sức sống, thứ ấy đều có nhịp điệu. Nếu chúng ta sống thuận theo nhịp điệu, chúng ta sống có cân bằng và có khả năng vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.

Nhịp điệu giúp trẻ hòa mình vào thế giới xung quanh và hỗ trợ sự phát triển ý chí. Một số trẻ có ý chí rất mạnh nhưng chưa kiểm soát được, và vì thế gây ra sự mất trật tự trong nhà trẻ như xô đẩy, đánh hay cắn bạn. Những trẻ có ý chí mạnh cần được bảo vệ để phát triển một cách lành mạnh. Nhịp điệu và nề nếp trong lớp học giúp đạt được trật tự và kiểm soát được những ý chí mạnh mẽ một cách tự nhiên và có lợi cho trẻ. Đồng thời, những hoạt động nhịp nhàng lại cũng có thể giúp lại một số trẻ có ý chí yếu, thường bỏ cuộc sớm và không có sự bền chí.

Khi trẻ biết rõ các nhịp điệu trong nhà trẻ, trẻ yêu thích những nhịp điệu đó, và điều này giúp phát triển sức sống cho trẻ một cách lành mạnh. Nhịp điệu tạo ra một môi trường an toàn và yên ổn cho trẻ, giúp việc học hỏi của trẻ hiệu quả hơn và giảm đi một số kỷ luật khác.

  • TRẠNG THÁI MƠ MÀNG

Theo Steiner, trẻ sẽ trải qua trạng thái mơ màng trong khoảng 7 năm đầu, nhưng mạnh nhất là khoảng trước 3 tuổi. Trạng thái mơ màng là trạng thái trẻ chưa có ý thức về bản thân, về cái tôi, về suy nghĩ của riêng mình, cũng như chưa có ý thức rõ rệt về thế giới xung quanh; lúc này trẻ thấy mình với mọi người và thế giới xung quanh là một.

Trạng thái mơ màng cực kỳ quan trọng, nó bảo vệ và cho trẻ năng lực để có thể học mọi thứ đầu đời một cách dễ dàng như học trườn, học bò, học đứng, học đi, học nói… Chúng ta quen với việc trẻ con sinh ra thì phải biết làm tất cả thứ ấy nên thấy những việc này quá đỗi bình thường, nhưng thực ra đây là những công việc phi thường đòi hỏi những nỗ lực phi thường mà trạng thái mơ màng đóng vai trò tiếp thêm năng lượng cho trẻ. Ví dụ như trẻ ở tuổi bắt đầu tập nói có thể nói bất cứ ngôn ngữ nào nếu được để đúng vào môi trường của ngôn ngữ đó, thậm chí có thể nói được hai/ba thứ tiếng một cách dễ dàng; nhưng khi đã có ý thức của người trưởng thành, việc học thêm một ngoại ngữ là điều không hề dễ dàng (trừ những trường hợp đặc biệt).

Trạng thái mơ màng bảo vệ để trẻ phát triển một cách tự nhiên, ấp ủ mọi sức sống, nguồn lực để cuối cùng khả năng tiềm ẩn sẽ được khai mở, cũng giống như hạt giống hấp thu mọi dưỡng chất và các điều kiện cần thiết để cuối cùng có thể nẩy mầm khỏe mạnh. Trạng thái mơ màng còn là một “liều thuốc” giúp quá trình thích nghi cơ thể của trẻ trở nên dễ chịu hơn, giúp trẻ quên đi phần nào những khó khăn của quá trình này. Và tất cả những điều này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc và ảnh hưởng đến suốt phần đời còn lại của trẻ.

 

  • Ý CHÍ VÀ SỰ BẮT CHƯỚC

Ở giai đoạn này, trẻ có một ý chí mãnh liệt và một bản năng bắt chước.

Trẻ học mọi thứ và khám phá thế giới xung quanh mình thông qua bắt chước, qua các giác quan. Chúng ta không chỉ dạy, chỉ hướng dẫn khi cần thiết, nhiệm vụ của chúng ta là tạo một môi trường lành mạnh để trẻ bắt chước và tự tìm hiểu, học hỏi. Chính môi trường xung quanh tạo ra trẻ, trẻ làm một việc vì trẻ thấy người khác làm việc đó, không phải vì người lớn bảo trẻ phải làm việc đó. Trẻ không chỉ bắt chước những gì chúng ta làm, chúng bắt chước luôn cả thái độ, tình cảm và suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta không thể che dấu bất cứ điều gì trước trẻ; chúng ta trong suốt trước trẻ. Trẻ đặc biệt đang tìm hiểu về thế giới xung quanh, hãy cho trẻ thấy thế giới này là tốt đẹp, nhờ đó chúng thấy an toàn và tự tin; khi đã thấy an toàn và tự tin, trẻ sẽ làm mọi thứ tốt nhất.

Trong trường Mầm non Steiner, giáo viên cùng trẻ dọn dẹp, nấu ăn, nướng bánh, dọn bàn ăn, và dùng thức ăn đã cùng nhau chế biến. Trẻ rất thích giúp đỡ và qua các hoạt động này, chúng phát triển hàng loạt các kỹ năng vận động, như sự khéo léo của đôi tay và phối hợp giữa tay và mắt. Sự hiện diện của một người lớn làm việc tạo nên một môi trường giúp trẻ trở nên tích cực và độc lập. Được nhìn thấy người lớn lao động bằng đôi tay hoặc làm một công việc đòi hỏi kỹ năng, sự tập trung và tính kiên nhẫn là một hình mẫu tuyệt vời cho đứa trẻ thích quan sát và giúp trẻ rèn luyện khả năng giữ vững sức mạnh ý chí. Cách người lớn làm việc, cách họ sử dụng công cụ và nguyên liệu, thậm chí là những cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể, tất cả những điều này đều được trẻ nhiệt tình ghi nhận và tiếp thu.

Ý chí giúp trẻ làm đi làm lại một việc không chán, đó là giúp cách trẻ học và khám phá thế giới. Và việc học này, cũng như những sự phát triển khác của trẻ, đều có tốc độ riêng, lịch trình riêng, lịch trình này không giống nhau đối với tất cả trẻ và không thể bắt ép. Chúng ta cần tôn trọng con người và sự sự phát triển riêng của mỗi trẻ, đừng nên sốt ruột, thúc ép trẻ làm những điều vượt quá sức của chúng; thậm chí nếu trẻ có làm được đi nữa thì việc này sẽ để lại ảnh hưởng bất lợi to lớn lên thể chất và tinh thần của trẻ. Tại sao lại tập đi cho trẻ khi trẻ không cần tập thì sau rốt vẫn có thể đi được. Khi thời gian chín muồi, chúng sẽ muốn đi và sẽ tìm mọi cách để đi, dù có xe tập đi hay không, dù chúng ta có dắt tay cho trẻ đi hay không, trẻ vẫn sẽ đi được, chúng sẽ bám vào bất cứ vật nào để di chuyển, đó chính là ý chí muốn đi, ý chí này sẽ bị làm yếu đi nếu chúng ta bày sẵn mọi thứ và tước mất “sự thôi thúc và cố gắng tìm đủ mọi cách để đi được” của trẻ. Tất cả những vận động của trẻ, dù là lật, trườn, bò, đứng, đi, đều là kết quả của sự kết hợp hoàn hảo giữa sự phát triển chín muồi của các cơ vận động, sự thôi thúc trong lòng và ý chí mạnh mẽ của trẻ; và tất cả đều cần có thời gian. Và khi trẻ đi được trên đôi chân của mình qua nhiều cố gắng, thử thách, hãy hình dung chúng thỏa mãn và sung sướng như thế nào; cảm giác sung sướng này là thành quả, là món quà vô cùng ý nghĩa cho công sức trẻ đã bỏ ra. Điều này xây dựng lòng tự tin vững chắc nơi trẻ: trẻ muốn làm và sẽ làm được; chính sự tự tin này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến trẻ đến suốt cuộc đời. Vai trò của người lớn là tạo ra một môi trường an bình hoàn hảo, một tình yêu thương chân thành, sự hỗ trợ, thái độ khuyến khích và trân trọng cùng sự hướng dẫn khi trẻ cần.

 

  • HẠN CHẾ SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ

Trẻ nên được hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tivi, máy vi tính và các thiết bị công nghệ cao khác. Các thiết bị này lấy đi thời gian chơi và hoạt động lành mạnh khác, lấy đi cơ hội tiếp xúc với thế giới thực bên ngoài, không chỉ cản trở sự phát triển sức sống của trẻ mà còn có thể khiến trẻ “đóng chặt mình” và mất dần đi khả năng lắng nghe, thông cảm đối với người khác khi lớn lên.

Trong các thiết bị này, những hình ảnh đã được “cố định”, không có cơ hội để phát huy trí tưởng tượng của trẻ. Hình ảnh của đa phần phim hoạt hình đều được thiết kế kỳ dị, không liên hệ gì với thế giới thực bên ngoài khiến trẻ bối rối và mất liên hệ với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, màu sắc, âm thanh, chuyển động hình ảnh của các thiết bị này gây kích động đối với các giác quan, ảnh hưởng bất lợi đến sự hoàn thiện của chúng, ảnh hưởng bất lợi đến sự tư duy logic, là một trong những nguyên nhân chính gây chứng khó tập trung, khó đọc khi trẻ lớn lên.

Dù chương trình giáo dục trên tivi hay máy vi tính có bổ ích đến đâu, chúng tôi vẫn khuyến khích phụ huynh không cho trẻ xem, thay vào đó, hãy để trẻ tiếp xúc với thế giới tự nhiên bên ngoài (với sự sắp xếp và chọn lựa cẩn thận của người lớn), bằng cách này trẻ học về thế giới xung quanh chúng một cách lành mạnh và hiệu quả nhất.