icon icon icon
Số 17 đường 12, Phường An Phú, Quận 2, TP. HCM Tìm kiếm

Tìm về Tết Trung Thu xưa

Người đăng: Tre Xanh Steiner - 11/09/2024

Nếu ngày Tết Đoan ngọ là đánh dấu một trong những thời điểm tháng thứ hai của mùa hè khi khí dương đã xuất hiện từ ngày Đông chí trước đó để ngự trị bắt đầu từ Xuân phân, đã lên tới đỉnh điểm của nó. Từ Hạ chí, khí dương dần dần mất sức mạnh đồng thời với lúc khí âm, nguyên lý của tối tăm và lạnh lẽo, dâng lên ngự trị vào thu phân và đạt đến điểm mạnh nhất và vinh quang nhất lúc Đông chí. Từ lúc này trở đi, khí dương lại đi lên cho đến Hạ chí sắp tới, khi nó dần dần phải nhường chỗ cho khí âm. Như vậy trong cái thiên nhiên và thế giới này, đôi khi có có những sự thất thường bề ngoài, chu kỳ vũ trụ của âm và dương luôn luôn diễn ra trong một thứ tự bất di bất dịch.

Thu phân rơi vào tháng Tám âm lịch, rằm tháng Tám này đúng vào thời điểm giữa 3 tháng của mùa thu, được gọi là Tết trung thu. Vào thời kỳ này, bầu trời trong trẻo và mặt trăng rất tròn, sáng rực rỡ. Tất cả các Lễ hội của người Việt cũng như người Trung Quốc đều theo mùa, liên hệ với sự nối tiếp của thời gian. Chính là vì ở cái phần châu Á chịu ảnh hưởng Hán này, nơi nghề nông chiếm vai trò hàng đầu, mọi người rất coi trọng những trận mưa làm cho đất đai màu mỡ. Vậy mà, ở xứ này, rồng là biểu tượng của sự phì nhiêu; tại đây rồng được xem là đại ân nhân. Trong ý thức dân gian, từ nhiều truyền thuyết từ nhiều thế kỷ, rồng có một vai trò hàng đầu trong sự điều tiết các cơn mưa sinh ra những vụ thu hoạch tốt là nguồn gốc của hoà bình xã hội và chính trị. Mùa xuân đôi khi người ta mang rồng đi trong các đám rước thần. Nó phải đóng góp sự thành công của vụ lúa chiêm. Nhưng Hội rồng thật sự là vào Trung thu. Nó phải bảo vệ các vụ gặt lớn tháng Mười. Đêm rằm tháng Tám ta, người ta long trọng rước rồng qua các phố, đi trước là những lá cờ ngũ sắc, những đèn lồng hình hoa quả, tôm cá hay những vật quý, những tấm biển sáng với hàng chữ “Hoàng Long Thịnh Thế" (mong rồng làm cho cuộc sống phồn thịnh) hay “Thiên Hạ Thái Bình”. Trong đám rước, đi theo rồng là một con sư tử. Điệu múa chung của rồng và sư tử tạo ra sự thái bình và thịnh vượng .

Tết Trung thu thoạt đầu được quan niệm là một lễ hội ca ngợi con rồng được những người cày ruộng thời xưa gắn cho khả năng làm mưa thuận gió hoà. Rồi sau đấy và hầu như cùng một lúc, người ta ghép vào đó mặt trăng xuất hiện đồng thời với tất cả ánh sáng vằng vặc tròn đầy của nó. Rồi đến đàn bà mà hệ ý thức chính thống cho là thuộc âm, ca ngợi mặt trăng có phép làm sinh nở đó như vị thần bảo trợ, như vị nữ thần thực hiện ước nguyện thầm kín của họ. Đến khi các vị thần của thế giới tự nhiên trở thành những con người với sự phát triển của vương quyền, thì trăng chỉ còn được coi là chỗ ở trên trời của “ông Tơ” hay “bà Nguyệt”, có nhiệm vụ gắn bó trai gái với nhau bằng những sợi chỉ hôn nhân.

Trung thu ở nước Việt Nam nay đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội mang đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước.

 

(Tổng hợp theo bài “Tết Trung thu” của tác giả Nguyễn Văn Huyên đăng trên Indochinae,

Hebdomdaire Illustre, số 108, 24/7/1942.

Trích “Hội hè lễ tết của người Việt”, Nguyễn Văn Huyên, NXB Thế giới)